Hà Nội ban hành chính sách hỗ trợ người dân đổi xe xăng trước ngày 30/9/2025

Theo Chỉ thị, UBND thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào các nhiệm vụ sau:
- Lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong Quý III/2025) và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.
- Cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện. Triển khai thực hiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội.
- Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng (Ban hành trước ngày 30/9/2025).
Xe mô tô, xe gắn máy không đạt chuẩn khí thải mức 2 sẽ bị hạn chế hoặc cấm lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ và khu vực cụ thể (Ảnh minh hoạ)
Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng đề cập đến lộ trình chi tiết cho việc loại bỏ xe máy chạy xăng tại nội đô Hà Nội. Thành phố được giao nghiên cứu tăng các loại phí như lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giá dịch vụ trông giữ phương tiện tại khu vực trung tâm. Lộ trình này sẽ được xây dựng cụ thể từ Quý III năm 2025 và điều chỉnh hằng năm.
Cụ thể, mục tiêu là đến ngày 1/7/2026, sẽ không còn xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Đến ngày 1/1/2028, lộ trình này sẽ mở rộng ra Vành đai 1 và Vành đai 2, hạn chế xe mô tô, xe gắn máy và cả ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Từ năm 2030, phạm vi sẽ tiếp tục mở rộng ra Vành đai 3.
Hà Nội đã thể hiện sự chủ động trong việc chuẩn bị lộ trình hạn chế và tiến tới cấm xe máy trong nội đô. Thành phố đã thông qua Nghị quyết 04 về dừng hoạt động xe máy tại các quận cũ vào năm 2030 và nghị quyết về triển khai vùng phát thải thấp có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025. Theo đó, xe mô tô, xe gắn máy không đạt chuẩn khí thải mức 2 sẽ bị hạn chế hoặc cấm lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ và khu vực cụ thể.
Sự kiện Hội nghị tổ công tác tham vấn ý kiến, hoàn thiện Dự thảo "Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030" do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức vào ngày 5/7/2025 tại Hà Nội cũng nhấn mạnh mục tiêu chung. Dự thảo kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% phương tiện giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được kiểm soát khí thải, tiến tới sử dụng nhiên liệu sạch. Hai thành phố sẽ thí điểm chính sách hỗ trợ tài chính, miễn/giảm phí cho học sinh, sinh viên khi sử dụng xe buýt và xe đạp công cộng.
(Ảnh minh hoạ)
Giai đoạn 2026-2028, hai thành phố sẽ thí điểm chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ sang xe điện, tiến tới mở rộng sau năm 2028. Hà Nội được giao nhiệm vụ xây dựng đề án giới hạn đăng ký xe máy mới tại một số quận trung tâm và tiến tới ngừng cấp đăng ký xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai vùng phát thải thấp ở 4 quận nội đô, đồng thời cho biết thành phố sẽ cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm triển khai, khẳng định không thể không làm và không thể trì hoãn hơn được nữa, bắt đầu từ xe máy và tiếp tục nghiên cứu với ô tô.
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng cho biết Chính phủ Nhật Bản, các chính phủ châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) và các nước phát triển đang tích cực hỗ trợ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị. Dự kiến, Hà Nội sẽ hoàn thành khoảng 10 tuyến đường sắt đô thị từ nay đến năm 2035.


