Không bao giờ vào được ngành công nghệ cao nếu muốn có lãi ngay

Chia sẻ tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) mới đây, ông Phú đã phân tích những yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn lên trong giai đoạn mới. Ông dẫn chứng trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc – bốn nền kinh tế châu Á từng đạt mức tăng trưởng GDP hai con số kéo dài trong nhiều năm, và hiện tại Việt Nam đang hướng tới mục tiêu này.

Shark Phú, ngành công nghệ cao, Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse, tăng trưởng kinh tế

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse

Theo ông Phú, điểm chung của các nền kinh tế trên là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ cao và khả năng thâm nhập thành công vào thị trường Mỹ. "Một khi đã vào được thị trường Mỹ, các thị trường khác sẽ không còn là rào cản", ông khẳng định.

Dựa trên kinh nghiệm của Sunhouse trong suốt 4 năm tiếp cận thị trường Mỹ, ông Phú nhận thấy khách hàng Mỹ có nhu cầu về sản phẩm "5 sao" nhưng với "giá Trung Quốc". Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp Việt Nam có thể chinh phục thị trường này.

Tuy nhiên, ông Phú cũng chỉ ra sự khác biệt lớn giữa bối cảnh hiện tại của Việt Nam so với các quốc gia đã phát triển trước đây. Ông lấy ví dụ về Trung Quốc, quốc gia có lợi thế về thị trường nội địa rộng lớn với hơn 1 tỷ dân, tạo nên năng lực tăng trưởng "vô biên".

Ngược lại, Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu dân, nếu chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp truyền thống sẽ khó đạt được mức tăng trưởng 10-12% do thị trường nội địa hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và cần tận dụng 10-20 năm tới cho mục tiêu này.

Shark Phú, ngành công nghệ cao, Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse, tăng trưởng kinh tế

Ông Phú lấy mô hình của Trung Quốc làm bài học. "Chính quyền mỗi địa phương đều có quỹ đầu tư phát triển. Các địa phương sẽ lựa chọn ra một số ngành nghề chiến lược, ngành công nghệ mới và kêu gọi 1 - 2 doanh nghiệp tiềm năng ở lĩnh vực đó cùng đầu tư, để làm sao tạo ra được năng lực cạnh tranh ở giai đoạn đầu", ông giải thích.

"Cách làm của Trung Quốc là ban đầu họ đầu tư 'vốn mồi' về nguồn vốn, kỹ sư, robot. Trung Quốc ban đầu bán trên biến phí không cần có lãi để lấy đơn hàng chạy 'full' công suất, bước vào chuỗi cung ứng. Nếu muốn có lãi ngay thì không bao giờ vào được ngành công nghệ cao. Như vậy họ cạnh tranh được ở trong những ngành đã có doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc rồi", ông Phú nói.

Ông Phú cho biết Việt Nam hiện đang có lợi thế đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Chính sách về xuất xứ cũng mở ra nhiều cơ hội nếu doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp xu hướng. Do đó, sự đồng hành của Nhà nước là cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam có thể gia nhập và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Like
Love
Haha
3
Mise à niveau vers Pro
Choisissez le forfait qui vous convient
Lire la suite