Sau kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2025, tôi nhận ra rằng một đứa trẻ 'sạch sẽ' mới là đứa trẻ may mắn

Một trong những bài thi gây chú ý năm nay là của em Nguyễn Thảo My, người đạt 9,75 điểm môn Ngữ văn. Không chỉ nổi bật nhờ nội dung sắc sảo, bài viết của My còn khiến nhiều giáo viên ngưỡng mộ bởi nét chữ đẹp, bố cục rõ ràng và sự trau chuốt từ tiêu đề đến từng dấu câu. Khi được hỏi bí quyết, em chỉ mỉm cười nói rằng: “Em luôn muốn người chấm cảm thấy thoải mái và dễ đọc bài của mình nhất có thể".
Từ một trang giấy thi ngay ngắn, đến một cuộc đời được sắp xếp rõ ràng, tất cả đều bắt đầu từ điều tưởng chừng nhỏ bé: sống sạch sẽ (Ảnh minh họa)
Không thể phủ nhận rằng một bài thi sạch sẽ, dễ đọc luôn tạo ấn tượng tốt với người chấm. Những con chữ rõ ràng, không mập mờ giúp thầy cô dễ dàng xác định đúng sai, tránh hiểu lầm đáng tiếc. Nhưng hơn thế, một tờ giấy sạch, trình bày đẹp còn là biểu hiện của tính cách cẩn thận, nề nếp và tự giác, những yếu tố quan trọng làm nên thành công lâu dài.
Một điều dễ nhận thấy là những đứa trẻ sạch sẽ thường lớn lên trong những ngôi nhà gọn gàng, có nề nếp. Một bài thi sạch không thể được viết ra trên một bàn học bẩn, một quyển sách nhòe mực hay một căn phòng bừa bộn. Môi trường sống tác động mạnh mẽ đến nhận thức và thói quen. Một chiếc giường sạch sẽ giúp trẻ ngủ ngon, một phòng học ngăn nắp giúp trẻ dễ tập trung, và một mái nhà ấm áp, nói lời tử tế sẽ tiếp thêm năng lượng tích cực mỗi ngày.
Không dừng lại ở chuyện dọn dẹp vật lý, “sạch sẽ” còn là thái độ sống. Đó là cách con cái được cha mẹ nói năng tử tế, được sống trong không khí động viên, lạc quan; đó là việc chọn bạn mà chơi, nơi những đứa trẻ cùng chí hướng có thể giúp nhau tiến bộ thay vì sa ngã. Khi kỳ thi kết thúc, con đường tương lai mở ra theo từng lựa chọn, mỗi ngôi trường, mỗi môi trường sống và học tập sẽ dẫn các em đến những nhóm người khác nhau. Và thực tế đã cho thấy, càng đi lên, con người càng gặp được những người tử tế, có kỷ luật và cùng chung giá trị.
(Ảnh minh họa)
Sự sạch sẽ, cuối cùng, còn là nền tảng đạo đức. Một học sinh học giỏi nhưng thiếu trung thực, thiếu tử tế, sẽ sớm bị xã hội đào thải. Nhưng một đứa trẻ biết giữ gìn chữ viết, biết yêu quý trật tự, biết cư xử đúng mực, đó là người sẽ luôn được chào đón ở bất kỳ nơi đâu.
Tuy nhiên, sạch sẽ không phải là một thứ mà cha mẹ có thể “ép” con làm được. Nó cần được truyền cảm hứng. Cha mẹ có thể bắt đầu từ việc cùng con dọn nhà, nấu ăn, gấp quần áo, sửa sang bàn học. Giáo viên có thể trở thành hình mẫu bằng chính nét chữ của mình, sự nghiêm túc trong từng trang giáo án. Và chính học sinh cũng cần hiểu: rèn luyện chữ đẹp không chỉ để lấy điểm, mà là cách để luyện sự kiên trì, tập trung và ngăn nắp - những kỹ năng vô giá cho cả cuộc đời.
Kỳ thi có thể đã qua, nhưng hành trình sống tử tế, chỉn chu và sạch sẽ thì vẫn còn dài phía trước. Trong một thế giới ngày càng phức tạp, những ai giữ được cho mình sự sạch sẽ từ trong ra ngoài, sẽ luôn là người sáng bừng trong đám đông, một ánh sáng mà ai cũng muốn lại gần.


