Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa trong trường hợp nào khi tăng hơn gấp đôi tiền lương của người lao động trong khu vực nhà nước từ ngày 1/1/2026?

Theo Điều 58 Luật Việc làm 2013, hết hiệu lực từ ngày 31/12/2025, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, có quy định trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp. Với mức lương cơ sở hiện nay là 2.340.000 đồng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, mức đóng BHTN tối đa cho viên chức hiện là 46.800.000 đồng.
Nếu sang đầu năm 2026 vẫn giữ nguyên lương tối thiểu vùng thì mức đóng BHTN của người lao động khu vực nhà nước ở các tỉnh thành thấp nhất sẽ là 69,000,000 và cao nhất là 99,200,000 đồng (Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2026, khoản 2 Điều 34 Luật Việc làm 2025 sẽ có hiệu lực, quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHTN cao nhất sẽ bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố. Nếu sang đầu năm 2026, mức lương tối thiểu vùng vẫn giữ nguyên, thì mức đóng BHTN của người lao động khu vực nhà nước ở các tỉnh thành thấp nhất sẽ là 69.000.000 đồng và cao nhất là 99.200.000 đồng.
Điều này đồng nghĩa, nếu lương tối thiểu vùng không thay đổi, đối với người lao động thuộc khu vực nhà nước tại vùng 1, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa sẽ là 99.200.000 đồng, vượt mức gấp đôi so với mức đóng 46.800.000 đồng tối đa hiện nay.
Dự thảo đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tăng 7,2% so với mức hiện hành (trùng với phương án Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất khuyến nghị Chính phủ).
Theo đó, dự thảo quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I là 5.310.000 đồng/tháng, vùng II là 4.730.000 đồng/tháng, vùng III là 4.140.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.700.000 đồng/tháng.
Bộ Nội vụ cho biết mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 250.000 đồng - 350.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 7,2%) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn khoảng 0,6% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2026 để cải thiện cho người lao động.
Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Dự thảo cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 25.500 đồng/giờ, vùng II là 22.700 đồng/giờ, vùng III là 20.000 đồng/giờ, vùng IV là 17.800 đồng/giờ.
Theo Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu giờ tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Đây là phương pháp được các chuyên gia ILO đã khuyến nghị Việt Nam lựa chọn và đã sử dụng khi tính mức lương tối thiểu giờ từ năm 2022 đến nay.
Về thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu, dự thảo đề xuất thực hiện từ ngày 01/01/2026 để đảm bảo thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị phương án, nguồn lực thực hiện.
Mong mỏi từ người lao động và ý kiến chuyên gia
Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng đang nhận được sự mong mỏi từ nhiều người lao động. Anh Nguyễn Minh Thành, công nhân tại Khu công nghiệp Đông Anh, chia sẻ: "Hiện tại, giá xăng dầu tăng, giá điện tăng 4,8% từ ngày 10/5… Từ đầu năm, tiền thuê nhà cũng tăng từ 1,5 triệu đồng lên 1,7 triệu đồng. Mức lương cơ bản của tôi hưởng theo lương tối thiểu vùng I khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tôi hy vọng rằng, trong năm 2026, lương tối thiểu vùng I sẽ được tăng để bù đắp một số mặt hàng giá cả đang tăng”.
(Ảnh minh hoạ)
Chị Lê Hồng Hà, công nhân một công ty da giày ở Long Biên, cũng bày tỏ: "Bản thân đi chợ mỗi ngày nên cảm nhận rất rõ sự tăng giá âm thầm của nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm… Thu nhập bình quân của công nhân trong ngành dệt may, da giày tại Hà Nội hiện nay chỉ khoảng 9 - 10 triệu đồng/tháng, đã tính cả tiền làm thêm giờ. Tôi hy vọng rằng, khi lương tối thiểu vùng I tăng thì lương cơ bản của tôi cũng tăng, cùng với đó là chế độ ăn trưa cùng phúc lợi xã hội khác”.
Về phía chuyên gia, TS Nguyễn Quốc Việt (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định đề xuất tăng lương lần này, cùng với việc điều chỉnh biểu thuế thu nhập cá nhân và các giải pháp kích cầu tiêu dùng, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng tổng cầu nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý giá cả để chính sách tăng lương mang lại lợi ích thực chất cho người dân.
PGS.TS Ngô Trí Long cũng nêu quan điểm rằng việc tăng lương cần đi đôi với việc hạn chế tình trạng giá cả tăng theo. Ông đề xuất cần có "bộ đệm tài khóa" (giảm thuế, phí…) để hỗ trợ các nhóm yếu thế khi giá cả tăng mạnh, đồng thời duy trì ổn định vĩ mô và phối hợp chặt chẽ các chính sách.
TS Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cảnh báo: “Mức tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động chỉ với 7,2% mà giá cả hàng hóa cũng tăng theo thì việc tăng lương sẽ không còn ý nghĩa, chỉ cầm tiền cho đẹp”. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp mạnh mẽ để kìm chế lạm phát, giảm trượt giá, đảm bảo tiền lương thực tế của người lao động. Ông cũng lưu ý nguy cơ doanh nghiệp sẽ dựa vào việc tăng lương để tăng giá, và Chính phủ cần có giải pháp căn cơ cho vấn đề này.


