Thấp hơn năm trước, điểm chuẩn vào đại học 2025 sẽ có nhiều biến động

Sau những ngày căng thẳng với các bài thi, các thí sinh đang hồi hộp chờ đợi công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả vào 8h sáng ngày 16/7. Ngay sau đó, từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7, thí sinh sẽ thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng trực tuyến trên Hệ thống của Bộ.

Tuy nhiên, không khí trước thềm công bố điểm thi không chỉ đơn thuần là sự chờ đợi, mà còn là những phân tích, đánh giá về tác động của kỳ thi đối với điểm chuẩn đại học. Nhiều ý kiến cho rằng, với thực tế đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, đặc biệt là sự "khó nhằn" của môn Toán và tiếng Anh như nhận định chung của nhiều thí sinh, sẽ tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đến công tác xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học, dẫn đến sự biến động khó lường về điểm chuẩn.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia giáo dục tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, nhận định năm 2025 là một cột mốc quan trọng khi đây là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục Phổ thông (GDPT) mới. Sự chuyển đổi này kéo theo một loạt thay đổi trong cách tiếp cận và đánh giá kiến thức, khiến cho điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học sẽ thiết lập một mặt bằng mới, vô cùng khó dự đoán bởi sự chi phối của nhiều yếu tố đan xen.

điểm chuẩn đại học, xét tuyển đại học, tuyển sinh 2025, đại học

Bộ GD-ĐT dự kiến công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vào 8h sáng ngày 16/7​ (Ảnh minh hoạ)

Thầy Ngọc phân tích sâu hơn về những yếu tố mới này. Thứ nhất, việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT không còn là con đường duy nhất. Các trường đại học ngày càng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, từ xét tuyển thẳng, xét học bạ, xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, cho đến các phương thức riêng. Điều này làm giảm "sức nặng" của điểm thi tốt nghiệp THPT trong bức tranh tuyển sinh tổng thể.

Thứ hai, năm nay chứng kiến sự xuất hiện của những quy định mới có thể tạo ra tác động đáng kể. Việc bỏ xét tuyển sớm, hay yêu cầu các trường phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển, ngưỡng đầu vào giữa các phương thức xét tuyển, các tổ hợp xét tuyển cho cùng một ngành/nhóm ngành đào tạo, là những thay đổi mang tính hệ thống, đòi hỏi sự điều chỉnh trong cách thức đánh giá và công bố điểm chuẩn của các trường.

"Do còn rất nhiều yếu tố khác chi phối, nên để dự đoán độ khó đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán hay môn tiếng Anh sẽ tác động như thế nào tới điểm chuẩn là điều không đơn giản", thầy Ngọc nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, mỗi năm vẫn có những môn thi được đánh giá là dễ hoặc khó hơn so với các môn khác. Tuy nhiên, khi các trường đại học sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho một ngành, thì tác động của độ khó một môn có thể được cân bằng bởi các môn khác trong tổ hợp. Nếu đề Toán và tiếng Anh khó hơn, làm điểm trung bình thí sinh giảm xuống, nhưng nếu các môn còn lại trong tổ hợp lại dễ hơn, kéo điểm trung bình lên, thì tác động chung đến điểm chuẩn sẽ không quá lớn.

Hơn nữa, thầy Ngọc cũng chỉ ra một yếu tố quan trọng khác, đó là sự gia tăng của các thí sinh sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS. Với những thí sinh này, việc đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh có khó đến đâu cũng không còn quá ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyển đại học. "Tôi đã gặp nhiều trường hợp làm bài thi tốt nghiệp THPT vừa rồi chỉ đạt 8 - 8,5 điểm môn tiếng Anh, nhưng các em có IELTS 7.0, 7.5 thì khi quy đổi theo công thức các trường quy định, hầu hết các em đạt điểm 10 điểm. Như vậy, các em sẽ xét bằng điểm IELTS thay vì điểm tốt nghiệp. Với những trường hợp này, rõ ràng việc đề tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT khó cũng không tác động nhiều đến điểm chuẩn", thầy Ngọc cho biết.

điểm chuẩn đại học, xét tuyển đại học, tuyển sinh 2025, đại học

(Ảnh minh hoạ)

Dù chưa thể đưa ra những con số dự đoán chính xác, thầy Ngọc tin rằng, với những yếu tố mới này, tinh thần chung là điểm chuẩn năm nay có thể thấp hơn năm trước từ 1 - 2 điểm, tùy thuộc vào từng ngành cụ thể.

Đối với thí sinh, thầy Ngọc đưa ra lời khuyên: "Các em không nên quá lo lắng, bởi nguyên tắc xét tuyển hiện nay của Bộ GD-ĐT là thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và không có sự phân biệt về thứ tự nguyện vọng. Như vậy, các em nếu có chiến thuật sắp xếp nguyện vọng hợp lý có thể an tâm về cơ hội trúng tuyển các trường đại học yêu thích".

Thầy Ngọc gợi ý thí sinh nên chia các nguyện vọng thành 3 nhóm:

Nhóm 1: Những ngành, trường yêu thích nhưng điểm đầu vào các năm trước cao hơn điểm thi của mình.

Nhóm 2: Ngành, trường yêu thích và có điểm chuẩn năm trước bằng hoặc gần bằng điểm thi của mình.

Nhóm 3: Ngành, trường yêu thích và có điểm trúng tuyển năm trước thấp hơn điểm thi của mình.

Chiến thuật này sẽ giúp thí sinh tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển, đồng thời vẫn giữ được sự linh hoạt trong lựa chọn ngành nghề.

Cùng chung quan điểm về sự biến động, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH), nhấn mạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trong bối cảnh Chương trình GDPT mới 2018 được triển khai toàn diện, dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc đề thi của nhiều môn. Đề thi năm nay bám sát định hướng của Bộ GD-ĐT, thể hiện rõ yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và tư duy thực tiễn, qua đó có độ khó nhỉnh hơn năm 2024.

Cô Dung đặc biệt lưu ý đến môn Toán: "Môn Toán thể hiện rõ sự chuyển hướng theo chương trình GDPT mới. Đề có độ khó tăng, yêu cầu khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, thay vì chỉ ghi nhớ công thức đơn thuần. Dự báo phổ điểm môn này sẽ dao động chủ yếu trong khoảng 6 - 7 điểm, rất ít thí sinh có thể chạm ngưỡng 9 - 10 điểm".

Ở môn Ngữ văn, cô Dung đánh giá cao tính gợi mở và khả năng khơi dậy cảm xúc của đề thi. Là môn thi tự luận duy nhất, câu hỏi nghị luận xã hội đã tạo cơ hội cho thí sinh thể hiện chiều sâu suy nghĩ và góc nhìn mang hơi thở thời sự, tránh tình trạng "học tủ".

điểm chuẩn đại học, xét tuyển đại học, tuyển sinh 2025, đại học

(Ảnh minh hoạ)

Đối với các môn trắc nghiệm còn lại như Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, cô Dung nhận định đề thi cũng cho thấy định hướng đánh giá năng lực toàn diện, tăng tính phân loại và giảm thiểu yếu tố may rủi. Sự xuất hiện của các môn thi mới như Tin học, Công nghệ không chỉ mở rộng lựa chọn cho thí sinh mà còn góp phần phản ánh năng lực cá nhân theo hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, đề thi ở các môn này có độ dài và mức độ phức tạp đáng kể, đòi hỏi học sinh phải có sự chuẩn bị nghiêm túc.

Với những nhận định về cấu trúc và độ khó của đề thi, cô Dung dự đoán: "Với mặt bằng đề thi năm nay, phổ điểm toàn kỳ thi ở các môn sẽ tập trung ở mức 6 - 7 điểm. Các tổ hợp truyền thống như A00, B00, D01 có xu hướng phân hóa mạnh, phổ biến dao động từ 18 - 22 điểm, trong khi số thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên không nhiều".

"Đây là phổ điểm phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp, đồng thời có thể khiến điểm chuẩn đại học năm nay giữ nguyên hoặc giảm nhẹ ở một số ngành học", cô Dung kết luận.

Riêng về điểm chuẩn vào Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) theo phương thức xét điểm thi THPT năm 2025, cô Dung dự đoán điểm có thể sẽ dao động từ 16-21 điểm tùy theo ngành. Các ngành thu hút nhiều thí sinh đăng ký như Công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện, Thiết kế đồ họa, Quan hệ công chúng, Marketing, Digital Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Ngôn ngữ Anh,… vẫn được dự báo sẽ duy trì sức cạnh tranh cao, với điểm chuẩn dự kiến trong khoảng 18-20 điểm.

Nhìn chung, năm 2025 hứa hẹn một mùa tuyển sinh đại học đầy biến động. Sự thay đổi trong đề thi, quy chế xét tuyển cùng với sự đa dạng hóa phương thức tuyển sinh của các trường đại học sẽ tạo nên một "mặt bằng mới" cho điểm chuẩn. Thí sinh cần nắm bắt thông tin, có chiến lược ôn tập và đăng ký nguyện vọng hợp lý để tối ưu hóa cơ hội vào ngôi trường mơ ước.

Like
Love
Haha
3
ترقية الحساب
اختر الخطة التي تناسبك
إقرأ المزيد