Bức thư cầu cứu vạch trần sự thật

Vụ việc đau lòng xảy ra vào cuối tháng 6/2024 tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về những mảng tối của các mô hình giáo dục đặc thù, vốn được quảng cáo rầm rộ với lời hứa hẹn: “Con không nghe lời, nghiện game, nổi loạn? Hãy đưa con vào trường nội trú quản lý... Chỉ sau 3-6 tháng, con sẽ thay đổi hoàn toàn”.

Anh Vương, sống tại huyện Đồng Bách, thành phố Nam Dương, vì lo lắng cho con gái 14 tuổi là Tiểu Vương có biểu hiện chán học kéo dài, đã quyết định gửi con vào “Trại huấn luyện năng lực Kha Trinh”. Tuy nhiên, hy vọng về một đứa trẻ tích cực hơn đã vụt tắt khi anh nhận được cuộc gọi khẩn từ người phụ trách trại, báo tin con gái anh ngất xỉu và đang được đưa đi cấp cứu.

Khi đến bệnh viện, anh Vương bàng hoàng khi thấy cơ thể con gái chi chít vết bầm tím, một dấu hiệu rõ ràng của việc bị bạo hành nặng nề. Nghi ngờ con bị ngược đãi, anh lập tức báo công an. Dù được chuyển đến Bệnh viện số 1 trực thuộc Đại học Trịnh Châu để điều trị tích cực, bé Tiểu Vương đã không qua khỏi và qua đời vào sáng ngày 27/9.

 tham gia trại hè, thư cầu cứu, tâm lý chán học

Một gia đình tại Trung Quốc phải nhận bi kịch đau đớn khi gửi con gái 14 tuổi vào trại huấn luyện với hy vọng cải thiện tâm lý chán học (Ảnh minh hoạ)

Các thông tin sau đó đã vẽ nên một bức tranh khủng khiếp về những gì xảy ra bên trong trại huấn luyện. Theo lời kể của các học viên khác, khi không chịu nổi cường độ huấn luyện khắc nghiệt, Tiểu Vương đã bị kéo ra phơi nắng dưới trời gay gắt, tóc bị trói vào cột, đầu bị đánh. Thậm chí, có lời khai cho rằng cô bé bị bắt cởi đồ và bò lê trên đất. Những tổn thương thể chất cùng áp lực tinh thần quá lớn đã quật ngã cơ thể non nớt của em.

Giám định pháp y kết luận nguyên nhân tử vong là do rối loạn chuyển hóa điện giải dẫn đến tổn thương não, hệ quả của việc phơi nắng lâu, ăn uống thiếu thốn và nôn ói kéo dài, kèm theo nhiễm trùng phổi và suy đa tạng.

Nhiều người sau khi biết chuyện đã phải thốt lên: “Đó đâu còn là giáo dục, đó là tra tấn”. Mô hình này thực chất chỉ dùng bạo lực thể xác và khủng bố tinh thần để ép buộc những đứa trẻ phải tỏ ra ngoan ngoãn vì sợ hãi, chứ không phải vì nhận thức.

Một chi tiết đau lòng hơn nữa được phanh phui là Tiểu Vương từng viết một bức thư cầu cứu. Trong thư, em viết rõ mình bị thương, đau yếu và tha thiết muốn về nhà. Tuy nhiên, người phụ trách tên Âm Mỗ Lợi đã lén giữ lại bức thư, không chuyển đến gia đình.

 tham gia trại hè, thư cầu cứu, tâm lý chán học

(Ảnh minh hoạ)

Sau vụ việc, Âm Mỗ Lợi bị đưa ra xét xử với cáo buộc “xâm phạm quyền tự do thư tín” và bị đề nghị mức án 6 tháng tù. Gia đình nạn nhân cho rằng tội danh này là quá nhẹ và yêu cầu điều tra thêm về hành vi “đồng phạm ngược đãi”. Họ đưa ra bằng chứng rằng Âm Mỗ Lợi không chỉ che giấu lá thư mà còn là người chỉ đạo các học viên khác kéo Tiểu Vương ra khỏi phòng tư vấn. Thêm vào đó, người này còn thường xuyên gửi những hình ảnh, video giả tạo về cho gia đình, cho thấy Tiểu Vương vẫn ổn, khiến họ không hề hay biết sự thật cho đến khi quá muộn.

Câu chuyện là một lời cảnh tỉnh sâu sắc cho các bậc phụ huynh và cơ sở giáo dục. Một đứa trẻ 14 tuổi có thể nổi loạn, nhưng em vẫn nhận thức được nỗi đau và biết viết thư cầu cứu. Tín hiệu tuyệt vọng đó đã không thể đến được tay người cần đến, bị chặn lại bởi chính những người có trách nhiệm bảo vệ em. Trẻ em cần sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ đúng cách, chứ không phải những biện pháp hà khắc, phi nhân văn có thể dẫn đến hậu quả không thể cứu vãn.

Like
Love
Haha
3
Upgrade to Pro
Choose the Plan That's Right for You
Read More