5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 500.000 nhân sự ngành này, sinh viên vừa ra trường đã có mức lương 18 triệu đồng/tháng

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và làn sóng chuyển đổi số toàn cầu đã tạo ra nhu cầu khổng lồ về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông. Từ công nghệ 5G, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), cho đến thành phố thông minh và thiết kế vi mạch, tất cả đều cần đến sự góp mặt của các kỹ sư điện tử - viễn thông.
Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm Việt Nam thiếu khoảng 100.000 kỹ sư công nghệ thông tin và viễn thông và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Tập đoàn VNPT dự báo từ nay đến năm 2030, đất nước cần hơn nửa triệu kỹ sư để phục vụ các lĩnh vực trọng yếu như mạng lưới viễn thông, điện tử y sinh, chip bán dẫn và thiết bị 5G.
Ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông là một trong những ngành đầy tiềm năng hiện nay. (Ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT TMA Solutions nhận định: “Hiện nay, ngành viễn thông đang tái cấu trúc toàn diện với sự góp mặt của công nghệ 5G, IoT, cloud và AI. Doanh nghiệp nào nắm bắt được nhân lực chất lượng cao trong ngành này sẽ có lợi thế cạnh tranh cực kỳ lớn”.
Không chỉ dừng ở lý thuyết, thực tiễn đã chứng minh sức hút mạnh mẽ của ngành học này. Ghi nhận tại nhiều trường đại học lớn như Bách khoa TP.HCM, Bách khoa Hà Nội… cho thấy: sinh viên năm 3, năm 4 đã được các doanh nghiệp công nghệ mời làm thực tập sinh có lương, thậm chí đề nghị ký hợp đồng chính thức trước cả khi tốt nghiệp.
Trường hợp của Trần Phúc Nam, sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông là một ví dụ điển hình. “Ngay học kỳ 7, em được một công ty công nghệ Nhật Bản mời phỏng vấn và nhận offer chính thức dù chưa bảo vệ đồ án tốt nghiệp”, Nam chia sẻ.
Tỷ lệ sinh viên ngành này có việc làm đúng chuyên ngành sau tốt nghiệp tại nhiều trường đạt trên 95%, một con số đáng mơ ước trong thời điểm nhiều ngành nghề khác đang lao đao vì thiếu đầu ra.
(Ảnh minh họa).
Một điểm cộng nổi bật khác khiến ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông trở thành lựa chọn “hot” chính là mức thu nhập cạnh tranh. Sinh viên mới ra trường có thể nhận mức lương từ 12 – 18 triệu đồng/tháng tại các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT hay Samsung R&D. Với kinh nghiệm từ 2 – 3 năm cùng ngoại ngữ tốt, mức thu nhập có thể dễ dàng cán mốc 30 – 50 triệu/tháng.
Đặc biệt, những kỹ sư chuyên sâu trong các lĩnh vực đang phát triển như điện tử y sinh, an ninh mạng, IC Design hay AI viễn thông còn có cơ hội nhận lương từ 50 triệu đồng trở lên nếu làm việc tại các vị trí chuyên gia giải pháp, kỹ sư cao cấp hoặc chuyển hướng ra thị trường quốc tế.
Dù triển vọng nghề nghiệp rộng mở, ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông vẫn đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc. Bên cạnh kiến thức nền vững chắc về Toán, Lý, Công nghệ, sinh viên cần rèn luyện khả năng làm việc nhóm, tư duy phản biện và đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành.


